Văn phòng: Phòng 808, Nhà C12 tầng, Trường Đại học Mỏ - Địa chất

Địa chỉ: Số 18 Phố Viên, phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội

Điện thoại: 0243.7520219

Email: lochoadau@humg.edu.vn

1. Giới thiệu chung về lịch sử phát triển

Ngày đầu mới thành lập (10/1994), đội ngũ cán bộ của bộ môn rất khiêm tốn với 02 thầy giáo, những người đã đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng Bộ môn. Cùng với sự ủng hộ của Nhà trường, khoa Dầu khí và đồng nghiệp Bộ môn dần phát triển cả về chất và lượng.

Trải qua 22  năm xây dựng, Bộ môn đã có một đội ngũ 15 cán bộ được đào tạo bài bản, giỏi về chuyên môn, vững về phẩm chất chính trị, say sưa yêu nghề (gồm: 04 PGS, 09 TS, 04 ThS đang làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài và 02 KS trong đó 01 đang học ThS trong nước).

2. Cơ cấu cán bộ, viên chức trong đơn vị

Trong thời gian đầu mới thành lập, Bộ môn tập trung đào tạo những thế hệ kỹ sư Lọc - Hoá dầu đầu tiên, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển công nghiệp đất nước. Từ một chuyên ngành đào tạo ban đầu (Lọc - Hóa dầu), đến nay bộ môn đã xây dựng và đào tạo 3 hướng chuyên sâu, đó là các hướng Lọc dầu, Hoá dầu và Chế biến khí. Song song với các chuyên ngành đó, hệ thống bài giảng, giáo trình phù hợp đã được biên soạn nhằm tạo ra những sản phẩm đào tạo có chất lượng. Bên cạnh việc đào tại cơ sở chính, Bộ môn còn tham gia đào tạo tại các cơ sở khác của Trường.

Bộ môn Lọc – Hóa dầu đã cung cấp nhân lực phục vụ công tác quản lí cấp Trường và Khoa:

  •  01 Trưởng Phòng Hành chính Tổng hợp;
  •  02 Phó Khoa;
  •  01 Phó giám đốc Trung tâm Phân tích, Thí nghiệm Công nghệ cao
  •  02 Bí thư Đảng ủy Bộ phận;
  •  02 Phó bí thư Đảng ủy Bộ phận;
  •  03 Đảng ủy viên, Đảng ủy Bộ phận Khoa Dầu khí;
  •  01 BCH Công đoàn bộ phận Khoa Dầu khí;
  •  01 Phó bí thư Đoàn trường;
  •  02 Bí thư Chi đoàn Cán bộ Khoa Dầu khí.

3. Hoạt động chính và những kết quả đạt được

Trước yêu cầu của xã hội về nâng cao chất lượng giáo dục đại học, phù hợp với xu thế chung hội nhập quốc tế, ngày 29/10/2009 trường Đại học Mỏ - Địa chất là 01 trong 23 trường đại học vinh dự được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ đào tạo “Chương trình tiên tiến ngành Kỹ thuật Hóa học”, chuyên ngành Lọc – Hóa dầu, phối hợp với trường Đại học California Davis, Mỹ. Đến nay, hoạt động đào tạo và phối hợp nghiên cứu của Chương trình tiên tiến (CTTT) đã đem lại hiệu quả cao trong công tác giảng dạy và nghiên cứu cho cán bộ của Bộ môn và sinh viên CTTT.

Năm 2010, nối tiếp những thành quả trong công tác đào tạo, Bộ môn đã xây dựng chương trình và đào tạo Thạc sĩ chuyên ngành Kỹ thuật hóa dầu. Từ đó đến nay, 08 khoá đào tạo ThS của Bộ môn đã tốt nghiệp và liên tục khẳng định kiến thức chuyên môn vững vàng tại những vị trí công tác của mình. Bộ môn đã hoàn thành đề án “Đào tạo trình độ Tiến sĩ chuyên ngành Kỹ thuật Hóa học” để trình các cấp phê duyệt.

Bộ môn luôn không ngừng mở rộng cơ hội hợp tác với nhiều trường đại học, viện nghiên cứu thuộc nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là Anh, Đức, Mỹ, Pháp, Malaysia, Thái Lan...; Xây dựng mối quan hệ với các Tập đoàn, Viện nghiên cứu, Công ty Quốc tế trong lĩnh vực dầu khí, hóa chất (Schlumberger, Baker Hughes, JGC, Rosneft…)

Song song với công tác đào tạo, công tác nghiên cứu khoa học luôn được chú trọng. Các hướng nghiên cứu đa dạng và thiết thực, phục vụ những yêu cầu cấp bách trong công nghiệp, sản xuất luôn được chú trọng trong nghiên cứu. Nhiều kết quả nghiên cứu được các đồng nghiệp đánh giá cao về ý tưởng cũng như chất lượng. Từ năm 2000 đến nay Bộ môn đã chủ trì và thực hiện nhiều đề tài và đăng các công trình khoa học trên các tạp chí có uy tín trong và ngoài nước:

  •  Thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước: 5 đề tài;
  •  Thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ: 16 đề tài;
  •  Thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở: 16 đề tài;
  •  Các bài báo công bố trên các tạp chí trong và ngoài nước: trên 100 bài báo, trong đó có 25

Phòng thí nghiệm (PTN) Lọc - Hóa dầu của Bộ môn là công cụ đắc lực cho công tác giảng dạy và nghiên cứu, do vậy luôn được quan tâm đầu tư và phát triển. Hiện nay, phòng thí nghiệm Lọc-Hóa dầu với tổng diện tích khoảng 300 m2, được trang bị một số máy móc, thiết bị khá hiện đại, nhằm phục vụ đào tạo và nghiên cứu của sinh viên và các giảng viên trong Bộ môn.

4. Mục tiêu và định hướng phát triển

Trong những năm tới, Bộ môn vẫn và đang tiếp tục cử Cán bộ giảng dạy (CBGD) tham gia đào tạo với trường đối tác Đại học US Davis Mỹ để phục vụ tốt cho việc giảng dạy CTTT

Để đảm bảo công tác đào tạo và Nghiên cứu khoa học (NCKH) có hiệu qủa cần phải thực hiện đồng bộ và kiên trì các khâu sau: luôn nâng cao trình độ cho đội ngũ CBGD, thường xuyên đổi mới nội dung giảng dạy, xây dựng PTN Lọc – Hóa dầu trọng điểm để giúp ích cho công tác NCKH của CBGD cũng như sinh viên và học viên cao học, đặc biệt là luôn cập nhật tình hình phát triển công nghệ trong nước và trên thế giới.

Mở rộng hợp tác và giao lưu với các cơ quan ngoài như Công ty, Viện nghiên cứu, các Nhà máy và cơ sở có liên quan đến hoạt động chế biến dầu khí và hóa dâu. Đó là cách bù đắp những thiếu hụt vè thực hành tại PTN của trường và là cơ hội cho sinh viên được thể hiện tính độc lập, sáng tạo, năng động không những trong công tác chuyên môn mà còn là trường học trau dồi đạo đức, đặc biệt là văn hóa ứng xử.

5. Các hình thức khen thưởng của tập thể và cá nhân trong đơn vị

Tập thể Bộ môn từ những ngày đầu thành lập đến nay năm nào cũng đạt danh hiệu Tập thể lao động tiên tiến của Trường Đại học Mỏ - Địa chất. Tập thể lao động xuất sắc của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong các năm: 2005, 2006, 2009, 2011 và 2013. Bộ môn đã nhận được bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (năm 2003 và 2009) và của Thủ tướng Chính phủ (giai đoạn từ 2007 đến 2010) trao tặng. Đặc biệt, Bộ môn nhận bằng khen của Bô trưởng Bộ Giáo dục khen tặng đã có thành tích xuất sắc trong quá trình xây dựng và phát triển (giai đoạn từ 1994 đến 2014)