Hội thảo mở chuyên ngành Địa vật lý đô thị

07/10/2021

Sáng ngày 5/10/2021 tại Trường Đại học Mỏ - Địa chất (Phòng họp Khoa Dầu khí, nhà C12 tầng) đã diễn ra Hội thảo "Xây dựng chương trình đào tạo trình độ đại học chuyên ngành Địa vật lý đô thị, mã số chuyên ngành 7520502-02. Do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên buổi Hội thảo diễn ra với hình thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp.

Sáng ngày 5/10/2021 tại Trường Đại học Mỏ - Địa chất (Phòng họp Khoa Dầu khí, nhà C12 tầng) đã diễn ra Hội thảo "Xây dựng chương trình đào tạo trình độ đại học chuyên ngành Địa vật lý đô thị, mã số chuyên ngành 7520502-02. Do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên buổi Hội thảo diễn ra với hình thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp. Tới dự Hội thảo có GS.TS. Trần Thanh Hải - Hiệu trưởng, PGS.TS. Nguyễn Thế Vinh - Trưởng Khoa Dầu khí, PGS.TS. Tống Thị Thanh Hương - Phó trưởng Khoa Dầu khí, TS. Lê Quang Duyến - Phó Trưởng khoa Dầu khí, GS.TS. Lê Khánh Phồn - Nguyên trưởng Khoa Dầu khí, TS. Nguyễn Văn Nam - Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, TS. Dương Quốc Hưng - Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Trọng Nga, PGS.TS. Phan Thiên Hương - Nguyên trưởng Bộ môn Địa vật lý cùng các nhà khoa học, đại diện Phòng, Khoa, Ban, Bộ môn liên quan và các thầy cô giáo bộ môn Địa vật lý, Khoa Dầu khí cũng có mặt và tham dự đông đủ. Thay mặt Bộ môn, TS. Kiều Duy Thông trình bày báo cáo xây dựng chương trình đào tạo đại học chuyên ngành Địa vật lý đô thị. Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp xây dựng cho chuyên ngành hoàn thiện hơn và hy vọng Tổ soạn thảo chương trình sớm hoàn thiện để kịp tuyển sinh vào năm học tới. 

1. Khái quát về Địa vật lý đô thị

Địa vật lý đô thị là bước đi tiên phong trong công cuộc hiện đại hóa và phát triển đất nước, xây dựng và phát triển các khu đô thị, thành phố thông minh, theo dõi và quản lý cảnh quan các công trình, không gian ngầm và môi trường đô thị, những biến đổi về khí hậu thời tiết, thiên tai, trượt lở, động đất... Có thể hiểu Địa vật lý đô thị là một ngành khoa học thực hiện công việc theo dõi, vận hành và quản lý môi trường đô thị bằng việc quan sát xử lý từ xa thông qua các trường địa vật lý trong suốt quá trình từ khi khảo sát chọn vị trí, khảo sát nền móng, xây dựng công trình, phát triển cho đến khi cần xây mới. 

Xây dựng quản lý và phát triển đô thị bền vững bằng công nghệ số là xu hướng tất yếu trên thế giới, đặc biệt là đối với các đô thị có quy mô lớn. Quá trình xây dựng và quản lý đô thị còn bị ảnh hưởng rất lớn bởi biến đổi khí hậu đang diễn ra phức tạp trên quy mô toàn cầu, trong đó Việt Nam là một trong 10 quốc gia có khả năng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Để phát triển bền vững đô thị, thì yếu tố đất đai, độ bền của địa hình, địa mạo, tài nguyên nước  và khoáng sản.. tựu chung là môi trường địa chất của đô thị là yếu tố đầu tiên quan trọng nhất. Do vậy, việc thu thập, phân tích xử lý số liệu liên quan đến môi trường địa chất để đánh giá phục vụ quy hoạch phát triển hệ thống đô thị quốc gia là việc làm hết sức quan trọng. Công tac quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị giai đoạn hiện nay và tương lai đang đối mặt với nhiều thách thưc nhất là vấn đề quản lý không gian ngầm. Điều tra khảo sát và xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ xây dựng và quản lý không gian ngầm là vấn đề hết sức quan trọng và cấp thiết trong thời gian tới. Mục tiêu cơ bản đó là phát triển cơ sở dữ liệu về đo thị, hệ quản trị thông minh và cập nhật hệ thống không gian ngầm đô thị phục vụ quản lý, quy hoạch và phát triển bề vững cho các đô thị ở Việt Nam.

2. Sự cần thiết về việc mở chuyên ngành Địa vật lý đô thị

Tronng không gian của đô thị và vùng đô thị, các phương pháp địa vật lý (ĐVL) đóng vai trò quan trọng, đặc biệt khảo sát và theo dõi các công trình ngầm. Xây dựng các mô hình 3D cho không gian ngầm và theo dõi sự biến động các thuộc tính vật lý của không gian ngầm đòi hỏi phải có những kiến thức về ĐVL và đồng thời các kiến thực khác về xây dựng quản lý cơ sở dữ liệu, quy hoạch xây dựng đô thị. Do vậy, đào tạo nguồn nhân lực là nhu cầu thiết yếu trong quá trình đô thị hóa tại mỗi địa phương của cả nước. Sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam kéo theo sự mở rộng đô thị nhanh hơn, đặt ra thách thức trong việc khảo sát và theo dõi các đối tượng dưới mặt đất và trên không. 

Địa vật lý là một lĩnh vực sử dụng trường địa vật lý để theo dõi các đối tượng từ xa. ĐVL đã và đang là phương pháp chủ đạo trong nghiên cứu cơ bản như nghiên cứu bên trong và bên ngoài Trái đất. Các nghiên cứu ứng dụng như thăm dò, khai thác dầu khí, thăm dò và tài nguyên khoáng sản, thăm dò và theo dõi sự thay đổi của mực nước ngầm; trong khảo sát nền móng, chất lượng bê tông, các công trình xây dựng cầu đường giao thông; trong môi trường ô nhiễm như môi trường phóng xạ, tìm kiếm và xác định bom mìn còn sót lại trong chiến tranh, theo dõi sự ô nhiễm hoặc nhiễm măn của nước dưới đất, các thảm họa tự nhiên như sụt lở, nứt đất. Các ứng dụng khác như trong khảo cổ học, nông nghiệp. Những ưu điểm nổi bật của các phương pháp ĐVL là khả năng khảo sát và theo dõi quản lý trong một không gian rộng song hành cùng với sự tồn tại và phát triển của thành phố. Ngoài ra, đô thị hóa cũng mang lại những thay đổi lớn và làm mất cân bằng của hệ sinh thái, hoặc sức khỏe con người nhất là khi chúng ta mong muốn xây dựng thành phố thông minh. Do vậy, việc ứng dụng các phương pháp quản lý và nghiên cứu từ xa như ĐVL là cần thiết, công việc đòi hỏi phải thu thập dữ liệu trên diện rộng, nhiều tham số trực tiếp và liên tục. Như vậy, địa vật lý đô thị sẽ đóng vai trò quan trọng cùng với sự tồn tại và phát triển của thành phố, đô thị thông minh.

Với nhu cầu thực tế của quá trình đô thị hóa, đòi hỏi những thay đổi tương ứng về ngành nghề đào tạo để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho công tác xây dựng và quản lý đô thị ở nước ta hiện nay và trong tương lai ngày càng phát triển. Vấn đề mới đặt ra trong quá trình đô thị hóa, đặc biệt liên quan đến xây dựng không gian ngầm, xây dựng đô thị trong tiến trình chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh, thì có thể nói việc mở chuyên ngành Địa vật lý đô thị là đòi hỏi tất yếu của Nhà trường cũng như thực tế phát triển kinh tế xã hội bền vững ở nước ta và xu thế hội nhập quốc tế. Cùng với nâng cao chất lượng, mở rộng lĩnh vực đào tạo dựa trên thế mạnh ngành nghề đặc thù của Trường Đại học Mỏ - Địa chất nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp yêu cầu thực tế của xã hội, sự gia tăng dân số, đô thị hóa mạnh mẽ ở nước ta hiện nay và trương lai, việc mở thêm chuyên ngành Địa vật lý đô thị ở trường Đại học Mỏ - Địa chất là phù hợp và cần thiết.